QUY TRÌNH LẤY MẪU NIÊM MẠC MIỆNG
1. Chuẩn bị dụng cụ thu mẫu
Dụng cụ thu mẫu: tăm bông đã cắt bỏ một đầu, giấy A4 sạch, phong bì, cồn sát khuẩn, găng tay, khẩu trang, nước súc miệng.
2. Quy trình lấy mẫu
2.1. Trường hợp thu mẫu trực tiếp trên người được lấy mẫu
- Xác định nhân thân qua chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy khai sinh hay các giấy tờ liên quan. Chụp ảnh người được lấy mẫu
- Chuẩn bị: Đeo găng tay, khẩu trang, tăm bông, giấy A4 sạch, phong bì đựng mẫu.
- Ghi ký hiệu tên, tuổi, địa chỉ của người được lấy mẫu, ngày lấy mẫu ở bên ngoài phong bì và giấy A4 sạch.
- Người được lấy mẫu súc miệng thật kỹ (5 – 10 lần) bằng nước.
- Người lấy mẫu chà xát đầu tăm bông vào thành má trong của miệng, vừa xoay tròn vừa di chuyển lên xuống 10 lần. Dùng hai tăm bông cho má bên trái và hai tăm bông cho má bên phải.
- Gói các tăm bông vừa thu mẫu vào giấy A4 sạch, để khô tự nhiên và lưu giữ theo quy định.
- Đặt vào phong bì, dán kín và niêm phong theo quy định.
2.2. Trường hợp mẫu do cơ quan trưng cầu mang đến
- Đeo găng tay, khẩu trang.
- Ghi nhận tình trạng bảo quản mẫu.
- Kiểm tra niêm phong.
- Chụp ảnh mẫu còn nguyên niêm phong.
- Mở niêm phong.
- Kiểm tra mẫu: loại mẫu, số lượng mẫu, tình trạng mẫu.
- Chụp ảnh mẫu.
- Lập biên bản bàn giao, nhận mẫu.
2.3. Trường hợp mẫu do cơ quan trưng cầu, người yêu cầu gửi mẫu qua đường bưu điện
Phải có ít nhất hai người nhận mẫu lập biên bản kiểm tra mẫu, ghi rõ thời gian nhận mẫu, số lượng, tình trạng mẫu, tình trạng niêm phong, mở niêm phong và chụp ảnh mẫu.
Chú ý: Trong quá trình lấy mẫu, không chạm tay vào đầu tăm bông chứa mẫu.
3. Bảo quản và gửi mẫu
Bảo quản mẫu tại phòng thí nghiệm nếu sử dụng ngay, nếu chưa sử dụng phải bảo quản ở -20oC, -80oC.